Thông tin về hệ máy GBA

Bạn có biết chính nhờ chiếc máy Game Boy nên chúng ta mới có sự thịnh hành của những huyền thoại như Tetris hay Pokemon như hiện nay?

Game Boy có thể nói là chiếc máy hệ cầm tay (handheld) lịch sử của Nintendo, nó cùng với máy 4 nút NES gần như đã định nghĩa lại làng game và khái niệm game hiện đại. Huyền thoại này mặc dù đã ngưng sản xuất và xem như đồ cổ nhưng những gì nó làm được lại có ích cho chúng ta đến tận ngày nay.

Ra đời với cấu hình “cùi bắp”

Game Boy là một dòng máy chơi game cầm tay được Nintendo cho ra đời tại Nhật tháng 4 năm 1989, phát hành tại Mỹ tháng 7 cùng năm và tại Châu Âu năm 1990. Mặc dù ra đời sau các dòng máy của Mattel – Mỹ và Game & Watch của chính Nintendo, mọi người vẫn cho rằng Game Boy chính là máy chơi game cầm tay đầu tiên nhờ các chức năng cần thiết từ khung hình, bộ điều khiển, đa dạng game, thời lượng pin,… Game Boy trở thành tiêu chuẩn của các dòng máy chơi game cầm tay sau này.


Có thể nói Nintendo sở hữu một “đội quân” chất lượng nhất thời đó, một đội quân gồm các nhà nghiên cứu và thiết kế game. Đội quân đó sau khi thiết kế Game & Watch và NES, đã kết hợp cả 2 lại làm 1, tạo nên huyền thoại Game Boy (cũng như Pen-Pineapple-Apple-Pen sinh ra ở Nhật thôi).

“Vị tướng” đứng đầu đội quân ấy là Gunpei Yokoi, người phát minh ra hệ thống chỉnh 4 hướng (các phím lên xuống qua lại) hay còn gọi là Dpad. Sau khi ông mất vào năm 1997, có nhiều tranh cãi nổ ra về việc ai mới là cha đẻ của Game Boy, nhưng không ai có thể phủ nhận đóng góp của ông vào sự phát triển làng game nói chung và chỗ đứng của Nintendo nói riêng.



Chân dung “bác” Gunpei Yokoi
Tương truyền vào năm 1979, Gunpei trong khi đi tàu điện tại Nhật đã chú ý thấy một ông doanh nhân ở gần mình hí hoáy bấm chiếc máy tính điện tử có màn hình LCD để giết thời gian khi chờ tàu đến ga. Ông đã nảy ra ý nghĩ thu nhỏ máy chơi game lại thành một thiết bị bỏ túi để người ta có thể chơi giết thời gian ở bất cứ đâu, từ đó chiếc máy cầm tay Game & Watch ra đời chính thức vào năm 1985. Sau đó vài năm, Nintendo công bố tiếp Game Boy được thiết kế bởi bộ phận nghiên cứu và phát triển số 1 (Nintendo Research & Development 1) do Gunpei Yokoi và Satoru Okada cùng hợp tác làm việc. Tuy nhiên không có nguồn tin nào nói rõ ai mới chính là cha đẻ của ý tưởng này, chỉ biết 2 người này hợp tác tạo ra Game Boy.

Sự thành công đến từ việc tiết kiệm pin

Thành công của Game Boy không đến nhờ may mắn, mà nhờ sự vượt trội, một bước nhảy của nền công nghiệp game thế giới. Việc đầu tiên phải nhắc đến là sự vượt trội về thời lượng pin, máy có thể chơi liên tục 30 tiếng với 4 cục pin AA, vượt xa các đối thủ cùng thời như Sega Game Gear, Atari Lynx, Turbo Express chỉ có thể chơi 5 giờ đồng hồ với tận 6 cục pin AA. Thậm chí đến hiện nay, đây vẫn là máy chơi game “trâu” nhất trong các máy cầm tay.

Dường như mối quan tâm lớn nhất mà Nintendo dành cho Game Boy chính là thời lượng pin bằng cách chỉ dùng màn hình đơn sắc không có đèn nền và bộ vi xử lý 8 bit công suất thấp, mặc kệ cho các đối thủ khác dùng màn hình đa sắc và bộ vi xử lý mạnh hơn. Dần dần, Game Boy mới được Nintendo phát triển thêm đưa ra các phiên bản có nhiều tùy chỉnh màu khác, và phiên bản Game Boy Color là phiên bản đa sắc chính thức ra mắt năm 1998. Có thể coi 9 năm là một thời gian quá dài cho việc nâng cấp về màu sắc. Tuy nhiên Nintendo đã chứng minh rằng quyết định coi trọng thời lượng pin chính là điều đúng đắn nhất khi họ đánh bật các đối thủ khác, độc chiếm thị trường máy chơi game cầm tay. Họ chỉ tung ra phiên bản màu khi công nghệ đủ cao để giảm tiêu hao pin cho một chiếc máy đa sắc.

Những người em của Game Boy
Cho đến nay, rất rất nhiều những phiên bản họ hàng của Game Boy được ra đời theo từng năm, ví dụ như Nintendo DS ra đời năm 2004 – máy chơi game đầu tiên có thể sử dụng Wifi, Game Boy Micro siêu nhỏ ra đời năm 2005, Nintendo DSi ra đời năm 2008,… và mới nhất có thể kể đến người em họ Game Boy Hyperkin mới ra mắt đầu năm 2018 có thể giúp điện thoại của bạn trở thành máy một máy Game Boy thực sự.


Cám ơn mọi người đã theo dõi bài này :D!!*dab*


Nhận xét

Bài đăng phổ biến